Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

“THẢ CHỊ ẤY RA ĐI, TÔI SẼ KÝ” (KỲ 2)

Phạm Đoan Trang

… Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi an ninh moi được 4 chiếc USB trong cái ba-lô tôi mang theo. Do đã lâu không có thói quen dùng USB (quá nhiều virus) nên tôi cũng quên khuấy mất là sâu dưới đáy ba-lô có 4 USB, cũng không thể nhớ nổi USB này ở đâu ra và bên trong có nội dung gì.

Mặt các anh em an ninh sáng ngời lên, rạng rỡ. Một chiếc laptop được mang tới ngay lập tức. Một nhân viên an ninh bật máy quay phim, hối hả “tác nghiệp”. Một người dân được gọi vào đồn làm nhân chứng – đó là một chị phụ nữ bán quán cóc gần cổng đồn, tên là L.T.H.

Trong 4 USB, có một báo cáo tiếng Anh với tựa đề “Unfair Elections in Vietnam”, một tài liệu tiếng Việt tên “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, và một bản proposal (đề xuất) tiếng Anh vận động tài chính cho việc xuất bản sách chính trị “ngoài luồng”. Bên an ninh tiến hành in ra tất cả.

Tôi lạnh lùng: “Các anh chị định chứng minh cái gì? Đã chắc gì USB là của tôi mà các anh chị in nhanh thế? Và lấy gì đảm bảo các tài liệu trong đó là của tôi?”.

Mặc kệ, họ cứ in.

“Được, các anh chị cứ in đi, vô ích thôi. Xong rồi mang mấy cái USB về nhà mà thờ”.

Nghe tôi nói vậy, một nhân viên an ninh chỉ cười khẩy.

Không thể diễn tả lực lượng an ninh vui mừng tới mức nào. Trong lúc phấn khởi, họ nhấc luôn điện thoại của tôi. Đến phút này thì không thể nhịn được nữa, tôi dằn giọng: “Để đấy. Các anh chị định làm gì? Cướp hả? Tất cả những việc các anh chị đang làm là để làm gì, có mục đích gì?”.

Người phụ nữ làm nhân chứng, tên LTH, tròn mắt nhìn tôi. Có lẽ, như tuyệt đại đa số người dân Việt Nam khác, chị tin rằng công an đã bắt ai vào đồn thì người đó dứt khoát phải có tội, phải là tội phạm. Và đây là lần đầu tiên chị thấy một tội phạm nói xa xả vào mặt 7 nhân viên an ninh, gồm 4 nam 3 nữ, đứng xúm xít quanh bàn.

- Chúng tôi sẽ thu giữ các USB này. Yêu cầu chị tự nguyện giao nộp. Yêu cầu chị ký biên bản. Mời chị H. làm nhân chứng xác nhận.

- Đây không phải thu giữ, mà là cướp giật. Bản chất của vụ việc này là bắt cóc người. Các anh chị tự nhiên đưa tôi về đồn, cướp đồ, rồi còn định sử dụng những thứ các anh chị thu được để làm trò gì nữa hả? Đủ rồi. Từ sáng tới giờ tôi nhịn các anh các chị lắm rồi đấy.

Miệng nói, tay tôi vơ lấy cả bốn USB, bỏ túi quần.

Bên an ninh quay sang yêu cầu nhân chứng: “Chị ký biên bản đi”.

Tôi nhắc: “Chị H., nếu ký, chị phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình. Em có thể kiện chị và kiện tất cả những người có mặt ở đây”.

Một nam đồng chí nói với chị LTH: “Chị cứ kệ chị ấy, đừng nghe chị ấy nói”. (Trời đất, sao anh nói nghe như trẻ con xui nhau thế, kiểu “mày đừng chơi với nó, bỏ nó đi”). “Mình là công dân, mình phải hợp tác với cơ quan nhà nước để bảo vệ an ninh quốc gia”.

- Là công dân, chị đừng tiếp tay cho cơ quan an ninh làm việc sai pháp luật – tôi nói tiếp.

Tuy thế, ai cũng hiểu là đồng chí công an khu vực đã nắm kỹ hộ khẩu, nhân thân và mọi thứ hồ sơ quan trọng của chị LTH này.

Họ in ra hơn 50 trang giấy, bắt chị LTH ký la liệt. Cuối biên bản có thêm dòng chữ: “Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chị Phạm Đoan Trang đã tự ý lấy lại USB”.

Liếc thấy hàng chữ đó mà tôi bật cười. Nó giống như là việc một băng cướp tự ý cướp đồ của một người nào đó, rồi khi nạn nhân giằng lại thì băng cướp nói là nạn nhân tự ý lấy lại đồ của họ.

--------------------------

CÂU GIỜ

Bên an ninh bắt đầu chơi bài quen thuộc là “câu giờ”: Họ để nhân chứng và tôi ngồi trong một căn phòng nhỏ, không được làm gì, chỉ ngồi thôi; còn họ thì đi ra đi vào, làm như đang chờ chỉ đạo của cấp trên, mà cấp trên thì bận bịu ghê lắm, khó liên lạc lắm.

Tôi rút cuốn sách ra đọc, không nói năng gì.

Tới 2h30 chiều, do “con phản động” vẫn ngồi đọc sách, không tỏ thái độ gì, bên an ninh chuyển sang trò khác. Họ đưa tôi và ép cả nhân chứng lên xe thùng (loại phương tiện chuyên dùng để chở phạm nhân hoặc thu đồ ở chợ, dẹp quán…). Chuyển đồn. Xe cao, khó khăn lắm tôi mới leo lên được – với sự giúp đỡ của các nhân viên an ninh. Dân phố quanh đó đổ xô ra nhìn.

Nhân chứng và tôi ngồi đối diện nhau trên hai băng ghế trong thùng xe, và đồng chí an ninh làm nhiệm vụ quay phim vẫn rất chăm chú tác nghiệp. Nhìn mặt chị LTH, người bị lôi cổ vào đồn làm nhân chứng bất đắc dĩ, thấy thương không thể tả. Đã 3h chiều, vậy là chị mất toi một ngày làm việc.

Tôi ngoảnh mặt đi chỗ khác, vừa không muốn phải nhìn chị nhân chứng tội nghiệp, vừa không muốn vào hình trong camera.

Hai người bị đưa về đồn CA quận Hoàn Kiếm. Tới lúc vào phòng, màn câu giờ lại tiếp tục. Anh em an ninh đi ra đi vào. Tôi ngồi đọc sách. Còn chị nhân chứng LTH đã sốt ruột lắm rồi. Lúc sáng thấy tôi, chắc chị tưởng gặp một tội phạm nào đó. Sau lại thấy cái đứa “tội phạm” này mắng lại an ninh, chép miệng “an với chẳng ninh, làm ăn thế này có chết không”, rồi lại thấy nó rút một quyển sách tiếng Anh ra đọc, chị bắt đầu thấy lạ.

Chị năn nỉ an ninh: “Hay cho mình về đi. Nói thật là mình cũng không hiểu mình ngồi đây làm gì”.

Bên an ninh tất nhiên không đáp ứng nguyện vọng của chị. Họ nói, sếp của họ yêu cầu tất cả phải ở lại cho đến khi xong việc.

Tôi nói: “Sếp của các anh chị, chứ có phải sếp của chị LTH đâu mà các anh chị bắt người ta ngồi đây. Để chị ấy về đi”.

Các nhân viên an ninh chỉ cười.

CÒN TIẾP

------------------

Vì nhiều lý do, tôi hầu như không bao giờ tường thuật lại các buổi làm việc với bên an ninh. Tuy nhiên, buổi làm việc ngày 22/9 vừa qua (kéo dài suốt phiên xử Anh Ba Sàm) có một số điều mà tôi nghĩ có thể mang lại kiến thức pháp luật cho cả người dân thường lẫn anh em đấu tranh dân chủ, nên tôi sẽ “phá lệ”, viết về nó để độc giả – tất nhiên, kể cả nhân viên an ninh – tham khảo nếu quan tâm.

KÍNH MONG MỌI NGƯỜI ĐỌC KỸ VÌ ĐÂY KHÔNG ĐƠN GIẢN LÀ MỘT CÂU CHUYỆN TRONG ĐỒN CÔNG AN.


Kỳ 1: https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10154786979148322?notif_t=like&notif_id=1474725927243053

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét